Nếu có trong tay đồng 10 yên của Nhật Bản, bạn sẽ nhìn thấy một tòa nhà với kiến trúc mái chùa, đó chính là “Byodo-in” (平等院) – ngôi chùa trên 1.000 năm tuổi tọa lạc ở thành phố Uji, Kyoto.
Công trình kiến trúc lịch sử này đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1994.
Tiền thân là biệt thự của giới quý tộc
Trong quá khứ, thành phố Uji ở phía nam từng là trung tâm văn hóa quan trọng của Kyoto suốt nhiều thế kỷ. Dưới thời Heian (794–1185), đây là nơi tọa lạc của nhiều biệt thự nông thôn thuộc về giới quý tộc.
Chùa Byodo-in ban đầu được xây dựng vào năm 998 như một biệt thự của vị thống lĩnh Minamoto no Shigenobu. Sau khi ông qua đời, Fujiwara no Michinaga, một trong những thành viên quyền lực nhất gia tộc Fujiwara đã mua lại ngôi biệt thự. Đến năm 1052, con trai của Michinaga là Fujiwara no Yorimichi đã biến công trình kiến trúc này trở thành một ngôi chùa Phật giáo.
Năm 1052 cũng được cho là năm đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ Mạt pháp, khi giáo lý của Đức Phật bắt đầu suy tàn. Trong khi bị vây hãm bởi cảm giác khủng hoảng, dân chúng tin tưởng rằng những người theo Phật A Di Đà sẽ đến Tịnh độ sau khi chết. Chính vì vậy, đền thờ Phật A Di Đà đã được xây dựng trên khắp Nhật Bản.
Trong đó, “Amida-do – 阿弥陀堂”, chánh điện thờ tượng Phật A Di Đà tại Chùa Byodo-in được hoàn thành vào năm 1053, hiện nay được gọi là “鳳凰堂 – Houou-do” , tức “Phượng hoàng đường” hay “Chánh điện Phượng hoàng”.
Phượng hoàng đường là trung tâm của khu vườn treo theo phong cách Tịnh độ, như một biểu hiện vật chất của Tịnh độ, đối diện với Hồ Aji yên tĩnh. Tịnh độ được cho là nằm ở phía tây nên chánh điện được thiết kế để thờ cúng từ xa từ bờ phía đông của hồ nước. Mái của tòa nhà được tô điểm bằng một đôi phượng hoàng và nhìn từ xa, chánh điện không khác gì một con phượng hoàng với đôi cánh dang rộng. Có lẽ, chính vì điều này mà bắt đầu từ thời Edo (1603 – 1868). cái tên “Chánh điện Phượng hoàng” đã ra đời.
Bức tượng phượng hoàng được in trên tờ 10.000 yên là bức tượng đầu tiên và đã canh giữ chánh điện trong khoảng 900 năm sau khi công trình này được dựng lên. Vào năm 1968, bức tượng này đã bị dỡ bỏ vì mục đích bảo tồn và được thay thế bằng các bản sao.
Nơi cất giữ kho báu quốc gia
Bảo tàng Hoshokan, nằm trong khuôn viên chùa, là bảo tàng lưu giữ và trưng bày các báu vật có giá trị của chùa, bao gồm tượng phượng hoàng thế hệ đầu tiên, bảo vật quốc gia và chuông chùa thế hệ đầu tiên. Thiết kế chi tiết của di sản văn hóa được làm nổi bật bằng cách bố trí nguồn sáng.
Ở trung tâm tòa nhà là tượng Phật A Di Đà đang ngồi được tạo ra bởi Jocho, một nhà điêu khắc lỗi lạc thời Heian. Bức tượng cao 2,77m này có phần đầu và thân được chạm khắc từ những mảnh gỗ riêng biệt và sau đó ghép lại với nhau bằng một kỹ thuật gọi là yosegi. Dấu tròn trên trán của Đức Phật, được gọi là “byakugo” có thể thay đổi màu sắc và độ sáng tùy theo góc nhìn.
Ngoài mái vòm tinh xảo phía trên, tượng Phật A di đà ban đầu còn được bao quanh bởi 52 bức tượng Unchu Kuyo Bosatsu (Bồ tát cầu nguyện trên mây), tất cả đều được chỉ định là báu vật quốc gia. Những bức tượng này được tạo hình trong tư thế đang chơi nhạc cụ hoặc khiêu vũ.
Bên cạnh đó, bức tranh “Kuhon Raiko Zu” bao phủ các cánh cửa và bức tường bên trong Chánh điện Phượng hoàng cũng là một báu vật. Kuhon Raiko Zu mô tả Đức Phật A Di Đà được bao quanh bởi một đoàn Bồ Tát chào đón người quá cố về Tịnh độ.
Chiếc chuông chùa nổi tiếng và khu vườn gắn liền với Chiến tranh Genpei
Cùng với Chánh điện Phượng hoàng, một di tích không thể bỏ qua khác ở Byodo-in là chiếc chuông của ngôi chùa, được mệnh danh là một trong ba chiếc chuông đẹp nhất nước Nhật.
Nếu chiếc chuông ở Chùa Onjoji, tỉnh Shiga được cho là có âm thanh hay nhất, chuông của Chùa Jingoji, Kyoto nổi tiếng vì có dòng chữ tinh tế nhất, thì chuông Byodo-in nổi tiếng vì có hình thức đẹp nhất. Các họa tiết đẹp mắt của chiếc chuông, từ chim phượng hoàng, sư tử cho đến hình ảnh cây và hoa, đều mang đậm tính nghệ thuật.
Chiếc chuông hiện đang được sử dụng là chiếc chuông thứ hai của chùa. Vào đêm giao thừa, du khách có thể thay phiên nhau đánh chuông như một phần của nghi lễ “Joya no Kane” – rung chuông 108 lần để tiêu trừ tội lỗi trần thế, chào đón năm mới.
Ogi no Shiba, khu vườn nhỏ hình quạt bên trong khuôn viên Chùa Byodo-in là nơi chiến binh cuối thời Heian – Minamoto no Yorimasa (1106–1180) đã tự kết liễu đời mình. Người ta kể lại rằng, vào năm 1180, khi bị quân của nhà Taira đánh bại trong trận Byodo-in, Yorimasa đã giương chiếc quạt của mình về phía tây theo hướng Tịnh Độ, đọc một bài thơ waka rồi tự sát. Mộ phần của Yorimasa hiện nay nằm ở phía sau Chánh điện Phượng hoàng.
Chùa Byodo-in
- Địa chỉ: 116 Uji Renge, thành phố Uji, Kyoto.
- Giờ mở cửa: 8:30 sáng đến 5:30 chiều (vào cửa muộn nhất lúc 5:15 chiều).
- Bảo tàng Byodo-in Hoshokan: 9:00 sáng đến 5:00 chiều (vào cửa muộn nhất lúc 4:45 chiều) .
- Phí vào cửa: 600 yên (khoảng 100.000 đồng), đã bao gồm vé vào bảo tàng; cần thêm 300 yên (khoảng 50.000 đồng) để tham quan bên trong Chánh điện Phượng Hoàng với khung thời gian được ấn định khi mua vé, giới hạn 50 người mỗi khung giờ, trên cơ sở ai đến trước được phục vụ trước.
- Cách đi: Đi bộ 10 phút từ Ga JR/Keihan “Uji”.