Văn hoá Cúi đầu hay cúi chào là một phần trong phong tục và truyền thống của người Nhật. Mọi người ở Nhật Bản đều học cách cúi chào từ khi còn nhỏ và thực hành việc đó suốt đời.
Biết cách cúi chào đúng cách là điều quan trọng, đặc biệt là trong các tình huống trang trọng như nơi làm việc và môi trường kinh doanh.
Biết khi nào nên cúi đầu ở Nhật Bản và cách cúi đầu đúng cách có thể khó khăn đối với những du khách lần đầu đến với xứ Phù Tang, vì việc cúi chào không phổ biến trong văn hóa phương Tây. Trong khi đó, việc cúi chào là điều tự nhiên đối với người Nhật, những người thường bắt đầu học các phép xã giao quan trọng từ khi còn nhỏ.
Việc biết cúi chào đúng cách trong từng tình huống xã hội hoặc trong kinh doanh với đối tác Nhật Bản là một trong những điều quan trọng để tạo ra thành công.
“Ojigi – お辞儀” là từ để chỉ việc cúi chào ở Nhật Bản. Đây là một hành động cúi đầu hoặc đa phần là gập nửa phần trên xuống một góc thích hợp khi đối mặt với một ai đó, như một cách chào hỏi tôn kính, biết ơn hoặc xin lỗi trong các tình huống xã hội hoặc tôn giáo.
Văn hoá cúi đầu được cho là đã du nhập từ Trung Quốc đến Nhật Bản hơn một thiên niên kỷ trước, trở thành một phần trang trọng trong nghi thức Samurai như một cách thể hiện sự tôn trọng.
Ojigi ở Nhật Bản có thể được chia thành hai loại: Zarei (座礼) – cúi đầu trong khi quỳ và Ritsurei (立礼) – cúi đầu trong khi đứng. Trong cả hai trường hợp, điều cần thiết là chỉ uốn cong cơ thể ở thắt lưng và giữ lưng thẳng hoàn toàn trong động tác cúi chào. Việc không làm như vậy thường được coi là dấu hiệu của sự thờ ơ, không chân thành và thậm chí là thiếu tôn trọng.
Ở các trường học ở Nhật Bản, học sinh có truyền thống cúi chào khi bắt đầu và kết thúc giờ học. Học sinh đứng dậy khỏi chỗ ngồi đối diện với giáo viên, một học sinh được chỉ định (thường là lớp trưởng) sẽ hô “Rei!” và mọi người đều cúi đầu chào, trong đó từ Rei có thể có nghĩa là “cúi chào”.
Nhân viên tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp thường chắp tay trước bụng cung kính cúi chào. Đây được xem là cách làm bắt nguồn từ kỹ thuật tiền thân của Cửa hàng bách hóa Mitsukoshi ngày nay.
Tại Nhật có một cụm từ là “Reisansoku”, nghĩa đen là “cúi lạy, ba hơi thở”. Khi cúi, mọi người nên hít vào, thở ra rồi lại hít vào. Vì độ dài của hơi thở giữa các cá nhân không quá chênh lệch, nên việc điều phối thời gian cúi chào sẽ dễ dàng hơn.
Hít vào cũng làm tăng áp lực bụng, cho phép họ duy trì tư thế tốt một cách vô thức. Sau khi ngẩng đầu lên, người ta nên nhìn đối phương và thở nhẹ ra, đồng thời thể hiện sự tôn trọng. Điều này được gọi là “Zanshin” hay “tâm trí còn lại”, đây là một phần của truyền thống võ thuật nhấn mạnh đến sự hài hòa giữa tâm trí, kỹ thuật và cơ thể.
Cúi đầu không chỉ được sử dụng để chào hỏi ở Nhật Bản trong cuộc sống hằng ngày, trong kinh doanh mà còn được sử dụng vào những tình huống khác nhau với ý nghĩa khác nhau.
Bày tỏ sự xin lỗi
Các chính trị gia hoặc đại diện công ty thường xuyên tìm cách bày tỏ sự ăn năn bằng cách cúi đầu thật sâu tại các cuộc họp báo sau một vụ bê bối.
Bày tỏ lòng biết ơn
Tại các môn thể thao như bóng chày hoặc bóng đá, đây là cách thể hiện sự tôn trọng và biết ơn của các vận động viên đối với khán giả và đối thủ.
Đôi khi, trong một trận bóng nếu đội tuyển Nhật Bản thua trận và cúi đầu thì dễ bị truyền thông nước ngoài hoặc mạng xã hội hiểu sai là lời xin lỗi về thất bại, nhưng việc cúi đầu ở trường hợp này thường mang ý nghĩa bày tỏ sự cảm ơn vì sự ủng hộ của khán giả đối với đội tuyển. Tại Giải bóng bầu dục thế giới 2019 được tổ chức tại Nhật Bản, một số đội đã noi gương chủ nhà bằng cách cúi chào khán giả, bất kể kết quả trận đấu của họ như thế nào.
Ngoài ra một số thông điệp của việc cúi đầu như: Nói với ai đó lời chúc mừng; Bày tỏ sự cảm thông; Bắt đầu một buổi tập; Khi vào hoặc rời võ đường; Trong nghi thức trà đạo…
Cách cúi đầu đúng cách
Ở Nhật Bản có nhiều kiểu cúi chào khác nhau tùy theo từng bối cảnh. Việc cúi chào sai cách có thể khiến người khác bối rối hoặc thậm chí tệ hơn là xúc phạm họ. Vì vậy, điều quan trọng là phải thực hiện đúng cách.
Cúi chào trong công sở
Eshaku – 会釈
Eshaku là một kiểu cúi chào đơn giản thông thường. Điều bạn cần làm là cúi người khoảng 15°. Nó được dùng để chào đồng nghiệp có cùng địa vị trong môi trường bình thường. Mọi người thường thực hiện Eshaku trong thời gian ngắn, nhưng không vội vàng.
Keirei – 敬礼
Keirei là cách cúi chào trang trọng để thể hiện sự tôn trọng. Bạn phải cúi người một góc từ 30° đến 45°. Nó thường được sử dụng để tôn trọng người có địa vị hoặc quyền lực cao hơn, chẳng hạn như sếp hoặc khách hàng. Để thể hiện sự chân thành, hãy giữ vững tư thế cúi chào một lúc.
Seikerei – 最敬礼
Seikerei là động tác cúi đầu sâu từ 45° đến 90° có ý nghĩa là “cử chỉ tôn trọng nhất”, được sử dụng trong trường hợp hối lỗi một cách thành khẩn, xin lỗi hoặc tôn thờ (trong nghi lễ tôn giáo), do mang ý nghĩa sâu xa nên hiếm được thực hiện trong tình huống thông thường, nếu cố tình làm mà không có lý do thì bạn sẽ bị xem là giễu cợt văn hóa Nhật Bản.
Cúi chào tư thế quỳ
Senrei – 浅礼
Senrei là một kiểu cúi chào thông thường nhưng ở tư thế ngồi. Đầu tiên, bạn cần ở tư thế Seiza (ngồi quỳ xuống), sau đó uốn cong thân mình một góc 30° và giữ trong vài giây. Senrei được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng hoặc lòng biết ơn vừa phải trong các tình huống thông thường hoặc bán trang trọng. Đàn ông thường đặt tay ở phía trước mỗi đầu gối, trong khi phụ nữ đặt hai tay vào giữa.
Sau khi cúi đầu chào nhau, hãy giao tiếp bằng ánh mắt thân thiện và nở một nụ cười ấm áp. Tốt nhất, hãy cố gắng không kết hợp việc cúi đầu (yêu cầu mắt hướng xuống dưới) với một cái bắt tay (dự kiến sẽ có giao tiếp bằng mắt).
Saikeirei – 最敬礼
Là kiểu trang trọng và tôn kính nhất trong nghi thức cúi chào ngồi. Bắt đầu từ tư thế Seiza, người đó phải hạ thấp phần thân trên của mình xuống cho đến khi ngực ép vào đùi. Ở vị trí cuối cùng, khuôn mặt của người chào phải cách sàn nhà khoảng 5 cm. Đối với Saikeirei, giống như phiên bản đứng, điều quan trọng là phải dành đủ thời gian ở tư thế cúi đầu trước khi quay lại tư thế quỳ thẳng ban đầu, để thể hiện sự chân thành và tôn trọng tối đa.
Nhìn xuống khi thực hiện cúi chào
Hãy nhìn thẳng vào người mà bạn đang chào, nhưng hãy nhìn xuống đất khi cúi chào. Bạn nên nhận danh thiếp của ai đó (nếu là người cúi chào) một cách cung kính bằng cả hai tay và hơi cúi người.
Duy trì giao tiếp bằng mắt trong khi cúi chào được coi là vô lễ, thậm chí là đe dọa, trừ khi bạn sẵn sàng chiến đấu với đối thủ trong võ thuật.
Cúi chào lâu hơn và thấp hơn với những người có địa vị cao hơn hoặc lớn tuổi hơn
Cúi chào có mối liên hệ trực tiếp với hệ thống phân cấp xã hội ở Nhật Bản. Để tôn trọng người có địa vị cao hơn hoặc lớn tuổi hơn, bạn phải cúi thấp hơn và lâu hơn. Đó là biểu tượng của sự khiêm tốn khi bạn đặt mình vào vị trí thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải cúi đầu 90° mỗi lần.
Cúi càng sâu và được giữ càng lâu thì càng thể hiện sự tôn trọng. Cúi chào nhanh chóng thì khoảng 15°, trong khi cách cúi chào trang trọng hơn yêu cầu bạn uốn thân mình một góc 30°. Cúi đầu sâu nhất là 45° khi bạn có thể nhìn thấy đôi giày của mình.
Không bắt tay và cúi chào cùng một lúc
Ở một số nước, bắt tay là nghi thức kinh doanh cơ bản để chào hỏi ai đó. Theo truyền thống, người Nhật cúi đầu chào nhau, nhưng họ đã thích nghi với việc bắt tay sau nhiều lần tiếp xúc và hợp tác với người nước ngoài.
Tuy nhiên, đôi khi vẫn có sai sót trong quá trình chào hỏi, khi hai bên tìm hiểu văn hóa của nhau, người nước ngoài cúi chào đồng nghiệp Nhật Bản trong khi những người còn lại đưa tay ra bắt tay. Vì vậy, bạn cần phải rèn luyện khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể.
Cúi đầu và Bắt tay
Trong những lần gặp mặt đầu tiên, nhiều người Nhật sẽ tránh tình huống khó xử bằng cách đề nghị bắt tay với người phương Tây. Trong bối cảnh trang trọng và các cuộc giao tiếp kinh doanh, đôi khi sự kết hợp giữa cái bắt tay và cái cúi đầu sẽ diễn ra như một sự đồng tình với cả hai nền văn hóa. Nếu bạn không chắc chắn mình nên làm gì thì hãy cúi chào khi ở Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, bắt tay thường được thực hiện giữa những người bạn thân và khi chúc mừng nhau về một thành công gần đây.